Từ trước đến nay mỗi khi nói đến phông nền của bể nuôi cá rồng huyết long đa phần anh em hay dùng màu đen, màu xanh dương đậm và hiện nay là phong trào background 3D với những phong cảnh có tông tối, đậm màu.
Theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học và sự tìm tòi của những người yêu thích loài cá rồng Châu Á thì tất cả các chủng loại cá rồng đều có cơ chế thay đổi màu sắc theo môi trường xung quanh, người ta ví cơ chế này tương tự như sự thay đổi màu sắc để nguỵ trang của các loài tắc kè. Chính vì kết luận nuôi Arowana trong môi trường có màu tối thì màu sắc cá sẽ đậm, còn khi nuôi trong môi trường có màu sáng thì vảy cá sẽ sáng nhưng màu sắc nhợt nhạt… Nên hầu hết người nuôi huyết long đều nuôi cá trong bể có phông nền có màu sắc tối từ khi cá còn nhỏ.
Khoảng vài năm trở lại đây, một số anh em đã phá cách và tạo ra cuộc cách mạng “nuôi huyết phông trắng”, kết quả cũng khá khả quan, tuy nhiên do lượng người “dám” nuôi huyết trong phông trắng chưa được nhiều, kết quả để minh chứng còn hạn chế nên việc này cũng đã gây ra các cuộc tranh luận khá sôi nổi.
Cấu tạo vảy của các chủng loại Arowana được phân chia thành 3 lớp, lớp dưới cùng là các mô tế bào melanin tích tụ (tế bào hắc tố), trên đó là các mô tế bào chromatophores (tế bào có đặc tính phản quang), và lớp ngoài cùng là các mô tế bào xanthophores (tế bào màu sắc) thể hiện màu đỏ, vàng, xanh tuỳ theo đặc tính di truyền của con cá đó. Như vậy, ở chủng loại huyết long, lớp dưới cùng là tế bào melanin được phân tán đều phối hợp cùng lớp chromatophores thì chúng ta nhìn vảy cá có ánh kim mạnh (tương tự hiệu ứng của kính tráng thuỷ), khi ánh kim mạnh được phủ lên một lớp xanthophores dày thì màu sắc cá sẽ đỏ rực rỡ, nếu lớp xanthophores mỏng thì cá sẽ có màu vàng cam hoặc cam tuỳ theo độ mỏng của lớp xanthophores.
Theo nguyên lí trên thì chúng ta có thể thấy rằng màu sắc của huyết long lệ thuộc vào đặc tính gen di truyền + sự phân bố của 3 lớp tế bào trên vảy, và sự phân bố này dày hay mỏng lại lệ thuộc phần lớn vào các dải ánh sáng mà chúng nhận được (minh chứng là khi phơi nắng hoặc tanning thì màu sắc sẽ lên tốt hơn). Còn background sáng hay tối không phải vấn đề then chốt cho việc lên màu của huyết long.
Mối tương quan giữa màu sắc và ánh sáng thì màu trắng chứa toàn bộ các màu của quang phổ nên nó không hấp thụ ánh sáng mà nó phản xạ ngược lại giúp cho vảy cá hấp thụ được nguồn sáng nhiều hơn, khi cá hấp thụ được nguồn sáng đủ mạnh thì nó sẽ được kích thích sản sinh hoạt chất purines để chuyển hoá thành tế bào chromatophores, chính vì thế nên khi nuôi huyết long từ nhỏ trong bể có background trắng cá sẽ có viền vảy sớm hơn, lên màu sớm hơn. Ngoài ra, nhờ được hấp thụ ánh sáng nhiều hơn nên lớp tế bào xanthophores sẽ được kích hoạt sản sinh tốt hơn, vì thế nên những cá thể huyết long được nuôi trong phông trắng từ nhỏ đến khi trưởng thành chúng sẽ có màu đỏ tươi hơn, sáng hơn những cá thể được nuôi trong môi trường tối.
Một số ae nuôi huyết trong background tối đến khi cá lên màu thì chuyển sang background sáng, chỉ vài ngày sau nhìn thấy con huyết long thật thảm hại, điều này chính là bởi vì cơ chế thay đổi sắc độ theo môi trường của các chủng loại Arowana nên chúng sẽ bị mất màu, nhợt nhạt trong khoảng thời gian đầu (1-3 tháng hoặc lâu hơn), sau đó màu sắc theo phẩm chất của chúng sẽ quay trở lại.
Ở đây là chúng ta đang luận bàn đến những cá thể có phẩm chất cao, mang nguồn gen tốt. Còn những cá thể, những chủng loại có phẩm chất kém thì dù có nuôi trong ao hồ tại Indonesia cũng chưa chắc đã lên màu nổi chứ đừng nói đến bể đen hay bể trắng..!
Khi nuôi cá trong bể background trắng chúng ta vẫn phải lưu ý đến các vấn đề liên quan đến sự phát triển màu sắc cá như: Sự ổn định của thông số pH nước, chất lượng nguồn nước, lượng carotene cung cấp phụ trợ, đặc biệt là ánh sáng…
– Về pH nước thì dù ở mức nào cũng không quan trọng, quan trọng là sự ổn định. Ví dụ chúng ta sử dụng nguồn nước máy để nuôi cá thì pH luôn giao động ở mức 7.0-7.5, chúng ta phải cố gắng duy trì nó ổn định ở mức này chứ không cần tìm cách hạ nó xuống 5.0-6.5 rồi vài ngày sau nó lại tăng lên 7.0-7.5, độ pH liên tục trồi sụt không những làm giảm sức đề kháng cá mà nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển màu sắc của huyết long.
– Về chất lượng nguồn nước thì không những huyết long mà bất kì loài cá cảnh nào cũng cần một môi trường tốt nhất để sống khoẻ, phát sắc tốt.
– Về nguồn carotene bổ sung cho cá để hỗ trợ cho quá trình lên màu thì chúng ta có nhiều cách, đơn giản nhất là cho sâu SW ăn cà rốt, bột gấc, tảo spirulina và dùng sâu đó cho cá ăn.
– Về đèn thì chúng thay cho ánh sáng mặt trời để kích thích các tế bào tạo màu sắc trên vảy cá phát triển. Theo kinh nghiệm của cá nhân carong1068 thì khi cá còn nhỏ (dưới size 30) chúng ta sử dụng đèn T8 (bóng trắng thuỷ sinh) là tốt nhất, trong giai đoạn này nên mở đèn 12h/ngày, từ size 20 đến size 25+ tăng lên 18-24h/ngày, vị trí đặt đèn là chính giữa bể để ánh sáng cân bằng, tránh hiện tượng cá xệ mắt hoặc bơi nghiêng… Khi cá bắt đầu có viền vảy (khoảng size 30+) chúng ta có thể đổi sang đèn T5 6500K-10000K để kích thích sự lên màu nhanh hơn. Hoặc nếu không muốn sử dụng T5 thì các loại đèn Led như: đèn Arcadia, đèn AquaZonic… Cũng là lựa chọn tối ưu.
Vài tản mạn về vấn đề nuôi huyết long trong background trắng theo cách nhìn và suy nghĩ cá nhân, chắc chắn một vấn đề nào đó từng gây tranh cãi thì luôn có ý kiến trái chiều, vẫn mong các bậc đàn anh đi trước đóng góp thêm ý kiến, kinh nghiệm để bản thân carong1068 và các ae newbie được học hỏi thêm, hầu giúp cho phong trào chơi cá rồng tại Việt Nam ngày càng phát triển hơn…